Ưu và nhược điểm khi giải quyết tranh chấp thương mại thông qua con đường Trọng tài so với Tòa án

Ưu và nhược  điểm khi giải quyết tranh chấp thương mại thông qua con đường Trọng tài so với Tòa án

Khi tranh chấp thương mại xảy ra, các bên có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án có thẩm quyền hoặc tại Trung tâm trọng tài (Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp). Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại có những ưu điểm nhất định so với các phương thức khác thông qua Tòa án. Nó vừa mang tính tự do thỏa thuận của các bên nhưng vẫn đảm bảo tính bắt buộc cưỡng chế cho việc thi hành phán quyết trọng tài.

1. Ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Thứ nhất, giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại đảm bảo được bí mật kinh doanh và uy tín nghề nghiệp của các bên tranh chấp. Theo điều 4 Luật Trung tâm trọng tài thương mại 2010 giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đây là một ưu thế so với nguyên tắc xét xử công khai của tòa án trong trường hợp giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại đầy nhạy cảm

Thứ hai, giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại được thực hiện theo trình tự, thủ tục linh hoạt mềm dẻo, tiện lợi, nhanh chóng. Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, các bên đương sự có thể thỏa thuận về: Ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài, nơi giải quyết tranh chấp, đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài các bên có thể chọn luật áp dụng được quy định cụ thể tại các Điều 10, Điều 11, Điều 14 của Luật trọng tài thương mại 2010, không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho các chủ thể tranh chấp.

Thứ ba, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại giúp duy trì mối quan hệ giữa các bên. Trước khi tranh chấp thương mại được đưa ra giải quyết bằng trọng tài, các bên cùng nhau thương lượng thỏa thuận, nêu ý chí nguyện vọng của mình, từ đó xây dựng những thỏa thuận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đôi bên trong quá trình tố tụng trọng tài.

Thứ tư, trọng tài khi giải quyết tranh chấp nhân danh ý chí của các bên, không nhân danh quyền lực tự pháp của nhà nước, nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

2. Nhược điểm của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Tuy có nhiều ưu điểm nêu trên, nhưng trọng tài thương mại cũng có những nhược điểm nhất định so với con đường Tòa án, cụ thể:

Đầu tiên, Trọng tài không có thẩm quyền xét xử đương nhiên, chỉ khi các bên thỏa thuận lựa chọn và thỏa thuận này là hợp lệ thì trọng tài mới được tham gia giải quyết vụ việc. Trong khi đó, chỉ cần thuộc vào thẩm quyền giải quyết của tòa án, dù các bên không thỏa thuận thì tòa án vẫn được xét xử vụ án.

Thứ hai, tính cưỡng chế thi hành của trọng tài thường không cao bằng Tòa án.

Thứ ba, việc điều tra, xác minh chứng cứ và áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phức tạp, tốn nhiều thời gian

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo khoản 2 điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010, “Hội đồng trọng tài có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp: (a) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; (b) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;...”

Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài không thể tự mình thi hành quyết định quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền để thực hiện xác minh và thi hành. Do đó, thủ tục này có phần phức tạp và gây mất thời gian nên bên phải thi hành có thể lợi dụng điểm bất cập này để thực hiện hành vi tẩu tán tài sản, gây thất thoát tài sản.


Bài viết liên quan