Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài
Tại khoản 6 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.
Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài được tiến hành như sau:
Bước 1: Nguyên đơn gửi đơn khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài (theo Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010)
Trường hợp các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài thì nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài.
Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.
Như vậy, tương tự như thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án, nguyên đơn khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài phải làm đơn khởi kiện với các nội dung nên trên. Đây chính là căn cứ để Trung tâm trọng tài tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp.
Bước 2: Trung tâm trọng tài gửi bản sao đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan cho bị đơn (theo Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010)
Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác thì:
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài của nguyên đơn, Trung tâm trọng tài thương mại phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và những tài liệu liên quan.
Bước 3: Bị đơn gửi bản tự bảo vệ đến Trung tâm trọng tài (theo Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010)
Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác thì:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ.
Tuy nhiên, bị đơn hoặc cả nguyên đơn và bị đơn có thể yêu cầu gia hạn thời hạn này, Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc để quyết định việc có cho gia hạn hay không.
Lưu ý: Trường hợp bị đơn không nộp bản tự bảo vệ theo quy định thì quá trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành.
Bước 4: Thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài (theo Điều 40 Luật Trọng tài thương mại 2010)
Việc thành lập Hội đồng trọng tài được quy định như sau:
- Chỉ định trọng tài viên:
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn Trọng tài viên do Trung tâm trọng tài gửi đến, bị đơn phải chọn Trọng tài viên cho mình và báo cho Trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên.
- Trường hợp bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn.
- Chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài:
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được Tòa án chỉ định, các Trọng tài viên bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
- Trong trường hợp không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài và các bên không có thoả thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Như vậy, bị đơn có quyền chỉ định Trọng tài viên theo quy định nêu trên. Việc chỉ định trọng tài viên của nguyên đơn sẽ được thực hiện khi nguyên đơn gửi đơn khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài thương mại. Theo đó, việc chỉ định Trọng tài viên là nội trong những nội dung có trong đơn khởi kiện. Từ các Trọng tài viên được nguyên đơn và bị đơn chỉ định sẽ thành lập Hội đồng trọng tài. Số lượng Trọng tài viên có thể là một hoặc nhiều theo sự thỏa thuận của các bên, trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm 03 Trọng tài viên.
Bước 5: Mở phiên họp giải quyết tranh chấp (theo Điều 54, 55 Luật Trọng tài thương mại 2010)
Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác thì:
- Thời gian và địa điểm mở phiên họp sẽ do Hội đồng trọng tài quyết định;
- Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp; có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trình tự, thủ tục cụ thể để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp do quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài quy định.
Bước 6: Hội đồng trọng tài ra phán quyết (theo Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010)
Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Phán quyết của Trung tâm trọng tài là chung thẩm, tức phán quyết này có giá trị thi hành ngay và không có kháng cáo, kháng nghị như thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
Bước 7: Thi hành phán quyết (theo Điều 65, 66 Luật Trọng tài thương mại 2010)
Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, nếu bên phải thi hành không tự nguyện thi hành, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp bằng hình thức Trọng tài quy chế (tại Trung tâm trọng tài), pháp luật luôn đề cao và tôn trọng tinh thần tự nguyện thỏa thuận của các bên cũng như quy chế của Trung tâm trọng tài thương mại bằng việc quy định "Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác...". Có thể thấy, hình thức giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài thể hiện và nâng cao ý thức tự chủ, văn minh của các bên khi giải quyết tranh chấp để phù hợp với các loại tranh chấp thuộc lĩnh vực kinh doanh – thương mại.