Ngôn ngữ, địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Ngôn ngữ, địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên. Các bên tranh chấp có thể thống nhất, thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài, trọng tài viên. Vậy đối với việc lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài có do các bên tự quyết định hay không? Hãy cùng chúng tôi trả lời câu hỏi trên qua bài viết sau.

Khái niệm, đặc điểm của hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại

Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại.

Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.

Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có các đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài.

Thứ hai, chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các Trọng tài viên thực hiện thông qua Hội đồng trọng tài gồm một Trọng tài viên độc lập hoặc hội đồng trọng tài gồm nhiều trọng tài viên. Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm tọng tại hoặc tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010.

Thứ ba, giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại đảm bảo sự kết hợp hai yếu tố: thỏa thuận và phán quyết.

Thứ tư, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp đảm bảo tính bí mật. Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật trọng tài thương mại thì việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Quy định của pháp luật về ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài

Ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là ngôn ngữ mà hội đồng trọng tài cũng như các bên tranh chấp phải sử dụng trong toàn bộ quá trình trọng tài giải quyết tranh chấp bao gồm tố tụng trọng tài cũng như các văn bản, tài liệu, chứng cứ... được sử dụng trong quá trình xét xử trọng tài. Căn cứ theo quy định tại điều 10 Luật trọng tài thương mại 2010:

Thứ nhất, đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì được chọn người phiên dịch ra tiếng Việt.

Thứ hai, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định. Quy định này nhằm đảm bảo cho sự thuận tiện cho các bên tranh chấp cũng như hội đồng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp.

Quy định của pháp luật về địa điểm giải quyết tranh chấp

Để đảm bảo một cách tối đa quyền tự định đoạt của các bên thì căn cứ theo Điều 11 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì việc chọn địa điểm giải quyết tranh chấp do các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 


Bài viết liên quan