Giải quyết tranh chấp thương mại bằng cơ chế Trọng tài
1. Điều kiện để tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài
- Theo điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010:
+ Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài có thể thể hiện dưới dạng một điều khoản trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng nhưng thỏa thuận này phải được xác lập dưới dạng văn bản.
+ Trong trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trong tài chết hoặc mất năng lực hành vi thì thỏa thuận vẫn có hiệu lực với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó.
+ Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó.
2. Nguyên tắc giải quyết bằng trọng tài
- Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định về nguyên tắc giải quyết:
Trọng tài viên phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và đạo đức xã hội.
Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Phán quyết trọng tài là chung thẩm, có nghĩa là phán quyết là sự thỏa thuận, thống nhất của các bên nên các bên phải thực hiện phán quyết này, không được kháng cáo. Nếu trong thời hạn quy định mà các bên không thực hiện phán quyết của trọng tài thì bên được thi hành phán quyết có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành phán quyết của trọng tài.
3. Ngôn ngữ sử dụng trong giải quyết bằng trọng tài
- Điều 10 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định ngôn ngữ giải quyết
+ Đối với những tranh chấp không có yếu tố nước ngoài thì ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp không sử dụng tiếng Việt thì phải có người phiên dịch.
+ Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định.
4. Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
- Quy định tại điều 11 Luật trọng tài thương mại 2010:
+ Các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp; trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
+ Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp tại địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác.
5. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
- Điều 14 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định:
+ Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
+ Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, luật áp dụng do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định luật áp dụng phù hợp nhất.
Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
6. Các hình thức trọng tài
Hiện nay, trọng tài tồn tại dưới hai hình thức cơ bản là trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế.
Trọng tài vụ việc
Trọng tài vụ việclà hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.
Hoạt động không có trụ sợ, không có danh sách trọng tài viên riêng, không có quy tắc tố tụng riêng.
Sau khi giải quyết xong tranh chấp thì tự động giải tán.
Trọng tài vụ việc có thể giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng và ít tốn kém, bởi xét cho cùng trọng tài vụ việc vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của các bên tranh chấp.
Quyền lựa chọn trọng tài viên của các bên đương sự không bị giới hạn bởi danh sách các trọng tài viên sẵn có như hình thức trọng tài quy chế mà có thể lựa chọn bất kì trọng tài viên nào trong và ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ Trung tâm trọng tài nào.
Các bên tranh chấp có quyền rộng rãi trong việc xác định quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Trong khi đó, ở hình thức trọng tài quy chế, các bên chủ yếu chịu ràng buộc bởi quy tắc tố tụng của chính Trung tâm trọng tài mà các bên đã lựa chọn.
Trọng tài quy chế (trọng tài thường trực hay trung tâm trọng tài)
Các trung tâm trọng tài là tổ chức phi Chính phủ.
Các trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, tồn tại độc lập với nhau.
Tổ chức và quản lý ở các trung tâm trọng tài rất đơn giản, gọn nhẹ.
Trung tâm tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tố tụng và điều lệ riêng.
Hoạt động tố tụng của trọng tài được tiến hành bởi các trọng tài viên của trung tâm trọng tài.