Lý do nên chọn Trọng tài thương mại khi giải quyết tranh chấp thương mại?

Lý do nên chọn Trọng tài thương mại khi giải quyết tranh chấp thương mại?

Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế thị trường không ngừng phát triển, các doanh nghiệp được thành lập mới cũng ngày càng tăng. Từ đó, các hoạt động giao dịch thương mại cũng được phát triển không ngừng. Mặt khác, các tranh chấp thương mại trong giao dịch kinh doanh là không thể tránh khỏi và ngày càng gia tăng với mức độ phức tạp hơn.

Do đó, bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp là Toà án thì Trọng tài thương mại đang là phương thức giải quyết tranh chấp mà hiện nay được các doanh nghiệp Việt Nam thường ưu tiên lựa chọn.

Vậy tại sao lại chọn Trọng tài thương mại thay vì Toà án? Trên thực tế, Trọng tài thương mại thường được lựa chọn bởi vì các lợi ích sau đây:

Thứ nhất, giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại đảm bảo được bí mật kinh doanh và uy tín nghề nghiệp của các bên tranh chấp. Theo điều 4 Luật Trung tâm trọng tài thương mại 2010 giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đây là một ưu thế so với nguyên tắc xét xử công khai của tòa án trong trường hợp giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại đầy nhạy cảm

Thứ hai, giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại được thực hiện theo trình tự, thủ tục linh hoạt mềm dẻo, tiện lợi, nhanh chóng. Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, các bên đương sự có thể thỏa thuận về: Ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài, nơi giải quyết tranh chấp, đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài các bên có thể chọn luật áp dụng được quy định cụ thể tại các Điều 10, Điều 11, Điều 14 của Luật trọng tài thương mại 2010, không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho các chủ thể tranh chấp.

Thứ ba, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại giúp duy trì mối quan hệ giữa các bên. Trước khi tranh chấp thương mại được đưa ra giải quyết bằng trọng tài, các bên cùng nhau thương lượng thỏa thuận, nêu ý chí nguyện vọng của mình, từ đó xây dựng những thỏa thuận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đôi bên trong quá trình tố tụng trọng tài.

Thứ tư, trọng tài khi giải quyết tranh chấp nhân danh ý chí của các bên, không nhân danh quyền lực tự pháp của nhà nước, nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Với những thuận lợi vượt trội so với các thủ tục, thời gian giải quyết tranh chấp tại Toà án như đã nói ở trên, trọng tài thương mại đang dần trở thành một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế được ưu tiên lựa chọn bởi các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

 


Bài viết liên quan