Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại

Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại

Trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại tại trọng tài thương mại, các trọng tài phải tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định đã được quy định cụ thể. Nếu vi phạm nguyên tắc này việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và không có giá trị với các chủ thể tham gia cũng như không được nhà nước bảo hộ. Vậy các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được pháp luật hiện hành quy định thế nào? CIAC giải đáp qua bài viết sau:

Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại

Có thể hiểu nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cần tuân thủ khi giải quyết các tranh chấp thương mại. Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài bao gồm:

Thứ nhất, Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

 Đây là nguyên tắc thể hiện sự tự do của các chủ thể khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là trọng tài. Các bên có quyền tự do thỏa thuận về việc lựa chọn hình thức trọng tài, Trung tâm trọng tài hay trọng tài viên… Việc thỏa thuận lựa chọn của các bên được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương văn bản gọi là thỏa thuận trọng tài.

Thứ hai, Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

Đây là nguyên tắc quan trọng giúp đảm bảo việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại khách quan, vô tư, đúng pháp luật từ đó giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Thứ ba, các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. 

Việc quy định nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng với các bên tranh chấp, bởi nếu không đảm bảo quyền bình đẳng giữa các bên trong tố tụng, quyền lợi của các bên cũng sẽ không được bảo đảm.

Thứ tư, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 

Nguyên tắc này giúp việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài đảm bảo tính bí mật và giữ được uy tín của các bên tranh chấp.

Thứ năm, phán quyết trọng tài là chung thẩm hay còn gọi là xét xử một lần. 

Có thể hiểu là khi trọng tài đã ra phán quyết, phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành ngày mà không được kháng cáo, kháng nghị. Bởi vậy mà các trọng tài viên phải là người có trình độ chuyên môn giỏi, có kĩ năng, kinh nghiệm để đưa ra phán quyết chính xác, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Nguyên tắc này giúp việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại kết thúc nhanh chóng, dứt điểm, tránh dây dưa kéo dài vì phải qua nhiều cấp xét xử.

 


Bài viết liên quan