Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài

Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài

Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài được quy định trong Luật trọng tài thương mại 2010, cụ thể như sau:

1, Xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (theo quy định tại Điều 43)

“1. Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.

2. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện Hội đồng trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có thể khiếu nại với Hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm xem xét, quyết định.

3. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài khác; nếu không thỏa thuận được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.

4. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế; nếu không thỏa thuận được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.

5. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.”

2, Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (theo quy định tại Điều 44).

“1. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài quy định tại điều 43 Luật trọng tài thương mại 2010, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại cho Hội đồng trọng tài.

2. Đơn khiếu nại phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;

b) Tên và địa chỉ của bên khiếu nại;

c) Nội dung yêu cầu.

3. Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao đơn khởi kiện, thoả thuận trọng tài, quyết định của Hội đồng trọng tài. Trường hợp giấy tờ kèm theo bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và được chứng thực hợp lệ.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khiếu nại. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, quyết định. Quyết định của Toà án là cuối cùng.

5. Trong khi Tòa án giải quyết đơn khiếu nại, Hội đồng trọng tài vẫn có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp.

6. Trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Nếu không có thoả thuận khác, các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Toà án. Thời hiệu khởi kiện ra Toà án được xác định theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Toà án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện.

3, Thẩm quyền xác minh sự việc của Hội đồng trọng tài (theo quy định tại Điều 45).

“Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài có quyền gặp hoặc trao đổi với các bên với sự có mặt của bên kia bằng các hình thức thích hợp để làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Hội đồng trọng tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tìm hiểu sự việc từ người thứ ba, với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết.”

4, Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về thu thập chứng cứ (theo quy định tại Điều 46).

1. Các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng trọng tài để chứng minh các sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp.

2. Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp.

3. Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp. Phí giám định, định giá do bên yêu cầu giám định, định giá tạm ứng hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.

4. Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Chi phí chuyên gia do bên yêu cầu tham vấn tạm ứng hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.

5. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp. Văn bản đề nghị phải nêu rõ nội dung vụ việc đang giải quyết tại Trọng tài, chứng cứ cần thu thập, lý do không thu thập được, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập đó.

6. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, đơn yêu cầu thu thập chứng cứ, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết yêu cầu thu thập chứng cứ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và gửi văn bản đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, Tòa án phải thông báo cho Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết để tiến hành việc giao nhận chứng cứ.

Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu thì Tòa án phải thông báo ngay cho Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết đồng thời có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.”

5, Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về triệu tập người làm chứng (theo quy định tại Điều 47).

“1. Theo yêu cầu của một hoặc các bên và xét thấy cần thiết, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.

2. Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng trọng tài gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng trọng tài. Văn bản phải nêu rõ nội dung vụ việc đang được giải quyết tại Trọng tài; họ, tên, địa chỉ của người làm chứng; lý do cần triệu tập người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng cần phải có mặt.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị triệu tập người làm chứng của Hội đồng trọng tài, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết yêu cầu triệu tập người làm chứng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải ra quyết định triệu tập người làm chứng.

Quyết định triệu tập người làm chứng phải ghi rõ tên Hội đồng trọng tài yêu cầu triệu tập người làm chứng; nội dung vụ tranh chấp; họ, tên, địa chỉ của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài.

Tòa án phải gửi ngay quyết định này cho Hội đồng trọng tài, người làm chứng đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Người làm chứng có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thi hành quyết định của Tòa án.

Chi phí cho người làm chứng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.”


Xem  thêm: Hội đồng trọng tài là gì?


Bài viết liên quan