Phán quyết của Trọng tài là gì? Việc thi hành phán quyết như nào?

Phán quyết của Trọng tài là gì? Việc thi hành phán quyết như nào?

1. Phán quyết trọng tài là gì? 

Theo Khoản 10 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010

 Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài

2. Nguyên tắc ra phán quyết trọng tài 

Căn cứ Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010, nguyên tắc ra phán quyết của trọng tài được quy định như sau:

“1. Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

2. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài”

Vậy phán quyết của trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài và được ra quyết định theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số của Hội đồng trọng tài.

3. Hiệu lực của phán quyết trọng tài

Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài được quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Theo khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định:

"5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành."

Theo đó, phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực đối với các bên kể từ ngày ban hành, trừ trường hợp bị hủy hoặc bị từ chối thi hành.

4. Thi hành phán quyết của trọng tài

Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 67 Luật Trọng tài thương mại 2010:

"Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự"

Theo quy định tại Điều 65 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì:

"Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài."

Như vậy, một phán quyết của Hội đồng trọng tài trong nước sẽ được thi hành phù hợp với luật thi hành án dân sự bởi các cơ quan thi hành án dân sự của Việt Nam mà không cần thông qua các thủ tục chấp thuận hay cho phép của Tòa án. Nhà nước không bắt buộc mà chỉ khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài.

Tuy nhiên, khi hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định thì bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại 2010:

"1. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

2. Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật này."


Xem thêm: Các hình thức Trung tâm trọng tài