Hòa giải tranh chấp thương mại - thân thiện và cùng thắng
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP Về hòa giải thương mại của Chính phủ ban hành ngày 24/2/2017 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại tại Việt Nam. Đặc biệt, Nghị định 22 đã xác lập hiệu lực của kết quả hòa giải, đảm bảo quyền lợi của các bên khi sử dụng phương pháp hòa giải.
Nếu như trước đây không có cơ chế để xác lập hiệu lực thi hành của kết quả hòa giải thì nay Nghị định 22 đã giải quyết được vấn đề này. Song, điều cần lưu ý là phương thức này đòi hỏi sự thiện chí và hợp tác rất cao của các bên, vì nếu các bên không cẩn thận tại giai đoạn hòa giải có thể gặp bất lợi khi thực hiện thủ tục khởi kiện ra trọng tài thương mại hoặc tòa án, chẳng hạn thời hiệu khởi kiện đã hết.
Thế nhưng, có một vấn đề mà Nghị định 22 không đề cập, đó là thời gian giải quyết hòa giải có tính vào thời hiệu khởi kiện hay không. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn các bên được quyền khởi kiện để yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết vụ tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Hiện nay một số đạo luật, như Luật Trọng tài thương mại quy định thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác (Điều 33). Do vậy, khi tham gia hòa giải, các bên tranh chấp cần chú ý vấn đề này nhằm đảm bảo khi hòa giải không thành vẫn còn thời gian để khởi kiện ra trọng tài thương mại hoặc tòa án.
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, đó là lựa chọn hòa giải viên. Kinh nghiệm cho thấy, việc hòa giải thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải cũng như khả năng vận động, thuyết phục các bên của hòa giải viên. Do vậy, khi tham gia hòa giải, các bên cần chú ý vấn đề này để đảm bảo vụ tranh chấp được giải quyết một cách có hiệu quả.
Thực tế đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các tranh chấp kinh doanh, thương mại. Số liệu của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC chỉ trong 3 năm gần đây đã bằng số vụ của 10 năm trước đó. Lĩnh vực tranh chấp cũng rất đa dạng, bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại đầu tư... Tính đến nay đã có trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ có doanh nghiệp tranh chấp với các doanh nghiệp Việt Nam được giải quyết tại VIAC. Số vụ tranh chấp thương mại do tòa án giải quyết cũng gia tăng mỗi năm khoảng 20%.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách khuyến khích hòa giải. Hàn Quốc, Thái Lan thực thi ưu đãi tài chính cho các bên cố gắng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải (ví dụ, nếu hòa giải thành công sẽ được hoàn lại một phần án phí, thuế thu nhập doanh nghiệp).
Tại Hàn Quốc, trong một số vụ việc, tòa án sẽ chuyển vụ tranh chấp sang giải quyết theo thủ tục hòa giải, tòa án chỉ giải quyết khi các bên hòa giải không thành. Theo thống kê của Hội đồng Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB), mỗi năm tòa án các cấp Hàn Quốc chuyển hàng nghìn vụ tranh chấp sang KCAB để giải quyết theo thủ tục hòa giải. Anh và Hà Lan là hai quốc gia được coi là có nhiều thành tựu nhất tại châu Âu trong xu hướng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải. Theo số liệu thống kế của Trung tâm Hòa giải Hà Lan, năm 2011, tổ chức này đã giải quyết 51.690 vụ. Trong khi đó, CEDR - trung tâm cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án châu Âu, trong năm 2014 đã giải quyết 9.500 vụ dân sự và thương mại bằng hòa giải. Việc hòa giải tiết kiệm cho các doanh nghiệp khoảng 2,4 triệu bảng mỗi năm.
Rõ ràng, khi tham gia đầu tư, kinh doanh, tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Cho nên các doanh nghiệp cần chủ động đề ra biện pháp để phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các rủi ro, giảm tối đa việc phải gánh chịu những hậu quả, thiệt hại về tài sản, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn hoặc thậm chí phá sản. Cạnh đó, doanh nghiệp nên tìm hiểu các phương thức giải quyết tranh chấp để khi có tranh chấp xảy ra có thể lựa chọn phương thức phù hợp nhất và hiệu quả nhất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
___________________
Luật sư Vũ Ánh Dương
Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam